Ngày 6/4, trong một phát biểu trên chuyên cơ Không lực Một, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng các quốc gia nếu muốn Washington rút lại các mức thuế quan cứng rắn thì sẽ phải trả “rất nhiều tiền” mỗi năm. Theo ông, chính sách thuế mới không chỉ là biện pháp mạnh tay để điều chỉnh cán cân thương mại mà còn là “liều thuốc cần thiết” để khắc phục tình trạng bất công trong thương mại toàn cầu.
Dù thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức sụt giảm gần 6.000 tỷ USD giá trị kể từ khi các mức thuế mới được công bố, ông Trump tỏ ra không lo ngại về thiệt hại này. “Đôi khi bạn phải chấp nhận một số đau đớn để giải quyết tận gốc vấn đề,” ông nói với các phóng viên đi cùng.
Trong thời gian gần đây, một loạt nhà lãnh đạo từ châu Âu và châu Á đã liên hệ với chính quyền Mỹ với mong muốn thảo luận về việc giảm thuế nhập khẩu, nhất là khi mức thuế có thể lên đến 50% kể từ ngày 9/4. Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh rằng sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào nếu các quốc gia không đưa ra những cam kết tài chính rõ ràng với Mỹ.
Trước đó, chính quyền Trump đã khiến dư luận toàn cầu chấn động khi công bố một loạt mức thuế mới đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Động thái này nhanh chóng dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và làm gia tăng lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.
Các cố vấn kinh tế của ông Trump cho rằng đây là bước đi chiến lược, nhằm tái định hình vai trò của Mỹ trong trật tự thương mại quốc tế hiện tại. Đồng thời, họ cố gắng làm giảm lo lắng về các tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, đã có hơn 50 quốc gia và khu vực bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán song phương với Washington kể từ ngày 3/4. Tuy nhiên, danh sách cụ thể những nước tham gia cũng như nội dung chi tiết của các cuộc đàm phán chưa được tiết lộ. Giới chuyên gia nhận định việc xử lý cùng lúc nhiều cuộc thương lượng có thể gây áp lực lớn lên năng lực điều phối của Nhà Trắng, đồng thời kéo dài tình trạng bất ổn kinh tế trong nước.